Theo Bộ Công thương, tính đến nay, Việt Nam đã hút được 33.000 dự án FDI từ 140 quốc gia vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 100 tỷ USD. Nhiều Tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đã chọn Việt Nam làm điểm đến, bên cạnh đó Việt Nam cũng đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới CPTPP, EVFTA, UKVFTA, với những cam kết hội nhập cao trong cả lĩnh vực truyền thống lần phi truyền thống đã thúc đẩy xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ.
"Sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước, sự có mặt của các doanh nghiệp FDI và hệ thống các FTA đã giúp hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam có bước phát triển rất mạnh, xuất nhập khẩu liên tục gia tăng, thị trường xuất khẩu được mở rộng", ông Khánh nhấn mạnh.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ 2010 đến nay đã tăng 3,6 lần, GDP tăng 2,4 lần, từ 157 tỷ USD vào năm 2010 lên 544 tỷ USD vào năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng bình quân 4,5%/năm, trở thành động lực hết sức quan trọng trong động lực tăng trưởng kinh tế đất nước.
2 năm qua, dịch bệnh tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, phải đối mặt với khó khăn chưa từng thấy, xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng dương 2 con số. Cụ thể sau 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 600 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu gần 300 tỷ USD, tăng 17,5%.
Thứ trưởng Khánh cho biết, kết quả xuất nhập khẩu vượt 600 tỷ USD có sự đóng góp tích cực của ngành logistics Việt Nam với vai trò là nhân tố hỗ trợ trong trung chuyển hàng hóa. Doanh nghiệp logistics đã nỗ lực để đảm bảo chuỗi cung ứng của Việt Nam hoạt động bình thường, trong những thời điểm khó khăn nhất, giúp trung chuyển lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn.
Trong ngắn hạn, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối diện với rủi ro dịch bệnh nhưng triển vọng tăng trưởng vẫn khá tích cực.
"Có rất nhiều yếu tố thuận lợi có thể tạo đà cho sự phát triển của logistics", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói. Thứ nhất, kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi cấc chính sách kích thích tăng trưởng, hiệu quả từ các chính sách tiêm chủng trên diện rộng. Nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu nối lại hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa từ quý 3/2021, tạo nguồn cầu lớn cho dịch vụ logistics.
Ở trong nước, các biện pháp chuyển đổi mô hình chống dịch, mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ giúp kinh tế phục hồi tăng trưởng tốt hơn trong quý 4 cũng như năm 2022.
Việt Nam vẫn đang tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, có nhiều FTA thế hệ mới, tăng trưởng xuất nhập khẩu tiếp tục ở mức cao, nhờ 15 FTA đã ký kết, trong đó, Hiệp định RCEP sẽ đi vào thực thi từ đầu năm tới. Các nước tham gia hiệp định RCEP sẽ tạo ra một khối thương mại tự do chiếm 30% dân số và 30% GDP toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam còn nằm trong trong TOP các nước có tốc độ phát triển thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á, Năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD, dự kiến tăng trưởng trung bình 29% trong 5 năm tới. Tới 2025, quy mô tmđt trong nước sẽ đạt 52 tỷ USD.
Theo đó, hàng hóa của thương mại điện tử được yêu cầu chuyển phát nhanh tới người tiêu dùng. Đây là mảnh đất màu mơ cho các doanh nghiệp logistics tăng cường đầu tư củng cố chất lượng dịch vụ, đón lõng cơ hội tăng trưởng.
Phân tích thêm cơ hội tăng trưởng của ngành logistics, ông Khánh cho biết, RCEP đi vào thực thi từ đầu năm, trong ngấn hạn có thể chưa mang lại kết quả rõ rệt, tuy nhiên về trung hạn chắc chắn sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn, sẽ tạo ra chuỗi cung ứng mới trong khu vực và đây sẽ là nguồn cầu mới, động lực mới cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển.
Cùng với tốc độ tăng trưởng cao của GDP, xuất nhập khẩu, ngành logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao 12-14%/năm, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics cũng gia tăng mạnh đạt 60-70% và cho đến giờ phút này, đóng góp của ngành logistics đã đạt 4-5% GDP.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam đứng thứ 39 trên 160 quốc gia và đứng thứ 3 trong ASEAN, tăng 25 bậc so với năm 2016.
Hải Yến (baodautu.vn)