Các động thái gần đây và nhiều dự báo cho thấy, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ phục hồi trong năm tới, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn.
Đón tin mừng những ngày cuối năm
Số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2021 phải ít ngày nữa mới được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố chính thức. Tuy vậy, cho tới thời điểm này, có thể khẳng định, Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong thu hút đầu tư nước ngoài, bất chấp dòng vốn đầu tư toàn cầu sụt giảm vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Trong 11 tháng, đã có 26,46 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm cả phần vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn một tháng cuối cùng của năm, thêm vài tỷ USD được đăng ký, số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm nay sẽ không hề nhỏ.
Thêm nữa, không chỉ là những con số, động thái những ngày gần đây cũng cho thấy xu hướng tích cực hơn của thu hút đầu tư nước ngoài. Một trong số các động thái có thể kể đến là việc Tập đoàn LEGO ký thỏa thuận đầu tư dự án 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương.
Trong khi đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ và Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các thỏa thuận hợp tác trị giá nhiều tỷ USD cũng đã được ký kết. Chẳng hạn, Tập đoàn Đại An, chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Đại An (Hải Dương) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc triển khai xây dựng Công viên Dược 500 triệu USD với Công ty Sri Avantika Contractors Ltd., (Ấn Độ).
Một công ty thành viên của Đại An cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Ramky Enviro Engineers để triển khai các dự án quản lý chất thải, vốn đầu tư 150 triệu USD.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL) và Công ty Ecologic Engineering (Ấn Độ) đã ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghiệp và đổi mới sáng tạo, với trị giá đầu tư lên đến 4 tỷ USD.
Tỷ phú Prashant Ruia, người sở hữu Essar, một tập đoàn đa ngành nghề, với lợi nhuận hàng năm khoảng 2,2 tỷ USD, cũng đã bày tỏ mong muốn được đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí…
Không dễ dàng để các thỏa thuận hợp tác này sớm được hiện thực hóa, nhưng điều đó cũng đủ chứng tỏ mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam và nó cũng phần nào phản ánh xu hướng hồi phục của dòng đầu tư toàn cầu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư toàn cầu đã phục hồi rõ nét trong những tháng gần đây, bất chấp những khó khăn do Covid-19 mang lại. Chỉ số theo dõi tâm lý nhà đầu tư nước ngoài (fDI) trong tháng 9 đứng ở mức 939 điểm (tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước). Đây là điểm số cao nhất kể từ tháng 11/2019.
Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tập trung vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật số, phát triển lĩnh vực bán dẫn. Ngoài ra, lượng vốn đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch cũng đang tăng cao thay vì năng lượng tái tạo, khi giá dầu và khí đốt gia tăng.
Cơ hội cho năm 2022
Sẽ khó có thể đưa ra dự báo chính xác về con số thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2022, khi mà xu thế bất định của kinh tế toàn cầu còn rất lớn, do ảnh hưởng của Covid-19. Song rõ ràng, cùng với xu thế hồi phục của dòng đầu tư toàn cầu, thì cơ hội mở ra cho Việt Nam là không nhỏ.
"Việt Nam đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế, với các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã khôi phục gần 90%. Nhiều nhà máy đã lên kế hoạch để tăng công suất. Chúng tôi tin là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong năm 2022." - Ông Thargbodee Serng Adichaiwit, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham).
Ông Thargbodee Serng Adichaiwit, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) dự báo rằng, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng gấp đôi trong năm tới và đây là lý do khiến các nhà đầu tư Thái Lan sẽ tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong thời gian tới.
“Theo ghi nhận của ThaiCham, nhiều doanh nghiệp Thái Lan mong muốn tiếp tục đầu tư và đầu tư mới vào Việt Nam khi Covid-19 được kiểm soát hiệu quả với số vốn có thể lên tới vài tỷ USD”, ông Serng Adichaiwit nói.
Ông Serng Adichaiwit tự tin rằng, Thái Lan đang đứng ở vị trí thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn vào Việt Nam, song thời gian tới, có thể sẽ vươn lên vị trí thứ 5.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), việc Việt Nam nằm trong khu vực phục hồi kinh tế tích cực trong năm 2022, cũng như nằm trong đà phục hồi của mạng sản xuất khu vực châu Á sẽ góp phần quan trọng để tăng tốc thu hút đầu tư nước ngoài.
“Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhìn thấy các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là RCEP. Các hiệp định này sẽ mở ra không gian mới cho các hoạt động kinh tế. Hơn nữa, khi kinh tế của cả khu vực phục hồi, các nhà đầu tư nước ngoài có thể cân nhắc, ra các quyết định đầu tư để đa dạng hóa cơ sở sản xuất”, ông Dương nói.
Trên thực tế, 11 tháng qua, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn cấp mới và tăng thêm vẫn tăng trưởng tích cực. Phần giảm sút hầu hết nằm ở phần đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần. Tuy vậy, theo nhận định của KPMG, thị trường M&A Việt Nam sẽ “bùng nổ” trong 2022. Các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản đều đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Đơn cử, Mizuho Bank đang sẵn sàng chi 170 triệu USD để mua 7,5% cổ phần trong M-Service. Trong khi đó, nhiều ngân hàng Hàn Quốc và Thái Lan cũng đang bày tỏ mong muốn tham gia thị trường tài chính - ngân hàng ở Việt Nam.
Xu hướng rõ ràng là đang rất tích cực…
Nguyên Đức (baodautu.vn)