Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận định, mặc dù là thị trường lâu năm của Việt Nam, từ khi thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu (EU)-Việt Nam (EVFTA), tiềm năng thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Đức càng phát triển.
“Trong năm 2020, về xuất khẩu, Đức là thị trường lớn thứ 2 tại EU và lớn thứ 7 thế giới của Việt Nam. Về nhập khẩu, Đức là nguồn cung hàng hóa lớn thứ 2 EU, thứ 14 thế giới của chúng ta. Việt Nam và Đức có cơ cấu sản phẩm bổ sung cho nhau là chủ yếu” - ông Hoàng Quang Phòng nói.
Căn cứ cơ cấu nguồn hàng và đặc điểm khí hậu cho thấy, Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm công nghiệp nhẹ, sản phẩm tiêu dùng và nông sản thực phẩm và có nhu cầu cao với nhiều nguyên liệu và máy móc phục vụ sản xuất. Trong khi đó, Đức là cường quốc công nghiệp nặng, xuất khẩu nhiều nguyên nhiên liệu và máy móc thiết bị và cũng nhập khẩu nhiều hàng tiêu dùng, nông sản thực phẩm. Những mặt hàng này bổ trợ cho nhau mà không cạnh tranh, đó là yếu tố quan trọng trong quan hệ thương mại.
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau 1 năm thực thi EVFTA cũng đã cho các doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều kinh nghiệm đối với thị trường EU nói chung và thị trường Đức nói riêng.
“Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã tận dụng được các cơ hội từ EVFTA trong một năm qua để tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Đức như: Máy móc và thiết bị (tăng 83,6%); phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 71,6%); sắt thép (tăng 53,2%); máy tính và điện tử (tăng 34%); thủy sản (tăng 15,5%). Trong đó, với mặt hàng thuỷ sản chủ yếu từ nhóm được cắt giảm thuế quan ngay... cho thấy, các doanh nghiệp đã có thể tận dụng được cơ hội của hiệp định ngay từ những ngày đầu tiên” - bà Nguyễn Cẩm Trang nêu ý kiến.
Nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam được hưởng lợi.
Nhận định tiềm năng để xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Đức là rất lớn, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng, doanh nghiệp cần tìm hiểu đầy đủ các nội dung cam kết của Việt Nam và Đức trong EVFTA. Cùng với đó, các doanh nghiệp cả xuất khẩu và nhập khẩu đều cần có hiểu biết kỹ càng về quy mô, nhu cầu, thị hiếu của thị trường và các quy định xuất nhập khẩu của hai bên.
TS. Phạm Hùng Tiến - Phó Giám đốc Viện FNF Việt Nam - đưa ra 3 nguyên tắc mà doanh nghiệp Việt cần lưu ý khi muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Đức thông qua EVFTA đó là: Khai thác cơ hội từ nâng cao năng lực sản xuất nội địa thay vì chỉ tăng năng lực xuất khẩu; hợp tác liên kết với doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì chỉ tìm kiếm “đại bàng” và công nhận tiêu chuẩn EU thay vì chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo đánh giá của VCCI, Đức là đối tác khắt khe cả trong các quy định pháp lý và yêu cầu của người tiêu dùng. Đức cũng là thị trường có độ cạnh tranh cao, với các ngành sản xuất nội địa tiềm lực lớn và nhiều đối thủ mạnh từ nước ngoài. Do vậy, để kinh doanh thành công với thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam phải trang bị các kiến thức, thông tin đầy đủ và cập nhật về thị trường, đồng thời cần khai thác triệt để các lợi thế riêng có từ EVFTA.
Đức hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại EU và trên thế giới. Trong một thập kỷ qua, trao đổi thương mại hai chiều đã tăng hơn 80%. Với việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường lớn bậc nhất EU này được kỳ vọng sẽ có đột phá tích cực.
Vũ Long