Số liệu báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2021 tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 6,29%; quý 2 tăng 11,18%; và quý 3 giảm 3,5%).
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05% (quý 1 tăng 8,9%; quý 2 tăng 13,35%; quý 3 giảm 3,24%); ngành khai khoáng giảm 7,17%.
Từ những con số thống kê trên có thể thấy, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp và tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý, cơ cấu các ngành công nghiệp đang có sự chuyển biến tích cực khi tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng, trong khi tỷ trọng của ngành khai khoáng có xu hướng giảm. Điều này phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Theo nhận định của Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, nhiều năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng rất nhanh, chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong đó tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng.
Nhiều mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, báo cáo trên cũng chỉ ra một số hạn chế của công nghiệp chế biến, chế tạo, đó là chủ yếu vẫn tập trung ở ngành công nghệ thấp và ở khâu gia công, lắp ráp, có giá trị gia tăng thấp.
Các ngành công nghiệp chủ đạo phục vụ xuất khẩu như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu nhờ vào sử dụng nhân công giá rẻ và nguyên liệu nhập khẩu nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Đáng lưu ý, trong khi đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng, thì đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước ngày càng giảm.
Thực trạng này cũng đã được Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chỉ rõ, Việt Nam đang rất thiếu những doanh nghiệp tư nhân lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng, giúp tránh khỏi nguy cơ tụt hậu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện tại, chỉ có một vài doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ô tô như: công ty Trường Hải, VinFast, Thành Công… nhưng vẫn chưa đạt tầm cỡ thế giới.
Do đó, công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn mang nặng tính chất gia công, lệ thuộc nhiều vào nước ngoài, chưa chiếm lĩnh được những vị trí vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và còn thiếu nền tảng để phát triển một cách độc lập.
Điều này khiến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất, khiến cho hoạt động sản xuất trong nước thiếu tự chủ, dễ tổn thương bởi các biến động chính trị - kinh tế - xã hội trên thế giới và trong khu vực (mà ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến khu vực sản xuất vừa qua là một ví dụ điển hình).
Trong 9 tháng qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ số sản xuất của một số địa phương giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, TP.HCM giảm 12,9%; Bến Tre giảm 11,2%; Đồng Tháp giảm 9,9%; Cần Thơ giảm 9,8%; Khánh Hòa giảm 9,5%; Trà Vinh giảm 7,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 5,3%; Vĩnh Long giảm 4,5%.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm, gồm: Ninh Thuận tăng 32,6%; Đắk Lắk tăng 25%; Hải Phòng tăng 19,7%; Nghệ An tăng 18,3%; Gia Lai tăng 17,4%; Hà Tĩnh tăng 16,6%; Thanh Hóa tăng 15,3%; Quảng Ngãi tăng 14,9%; Hà Nam tăng 14,4%; Bình Phước tăng 14%.
Tác giả: An Hạ