Trong số này có 4 dự án điện khí với tổng công suất 10.700 MW. Tỉnh Cà Mau cũng cho biết, với đường bờ biển dài, nhiều cửa biển và các hòn đảo xung quanh khiến thuận lợi để xây dựng kho, cảng, đường ống dẫn khí và hệ thống kho nổi (FSRU) phát triển điện khí.
Hiện nguồn cung khi cho 2 Nhà máy điện Cà mau 1 &2 chỉ đáp ứng được 67% tổng công suất vận hành nên cần phải bổ sung nguồn khí nhập khẩu. Tỉnh này cũng đã được phê duyệt kho cảng nhập khẩu LNG với công suất 1 triệu tấn/năm bắt đầu vận hành năm 2022-2025 và sau năm 2025 tăng lên 2 triệu tấn/năm.
Để phát huy tiềm năng và lợi thế về điện khí, giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung khi, UBND tỉnh Cà Mau đã kiến nghị đầu tư 4 dự án điện khí LNG như nói trên.
Cụ thể là Dự án điện khí Cà Mau 3 có công suất 1.500 MW; Dự án điện khí Tân Thuận có công suất 3.200 MW; Dự án điện khí Sông Đốc có công suất 3.000 MW và Dự án điện khí LNG cùng hệ thống FSRU có quy mô 3.000 MW.
Với điện gió, do có 3 mặt giáp biển, tốc độ gió trung bình là 6-7 m/giây ở độ cao 80 – 100 mét, tỉnh Cà Mau cũng đề nghị bổ sung 24 dự án với tổng công suất 12.018 MW. Trong số này có 6 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 8.500 MW và 18 dự án điện gió gần bờ với tổng công suất là 3.518 MW.
Cũng cho rằng có đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo với nền nhiệt cao, số giờ nắng là hơn 2.000 giờ/năm, việc phát triển điện mặt trời cũng được tỉnh Cà Mau chú ý.
Tỉnh hiện đã mời gọi nhà đầu tư Dự án Kè giảm sóng kết hợp điện mặt trời, nuôi trồng thuỷ hải sản và khôi phục rừng ngập mặn tại bãi triều của bờ biển phía Tây tỉnh Cà Mau.
Ngoài ra với khoảng trên 300.000 ha đất nuôi trồng thuỷ sản đã được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm tới đề xuất làm điện mặt trời kết hợp nuôi trồng thuỷ sản.
Vì vậy tỉnh này cũng đề nghị bổ sung 9 dự án điện mặt trời với công suất 2.846 MW vào quy hoạch điện.
Thanh Hương (baodautu.vn)