Bức tranh kinh tế đã dần chuyển sang gam màu sáng, kể từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Gam màu sáng của bức tranh kinh tế
Nếu lấy ngày 11/10/2021, ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, là một cái bản lề, thì có thể thấy sự khác biệt khá rõ ràng ở hai bên bản lề. Một bên là nền kinh tế nhuốm màu xám bởi Covid-19, và một bên là gam màu đã trở nên sáng sủa hơn.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021, Tổng cục Thống kê cũng nhắc rất nhiều đến Nghị quyết 128 /NQ-CP, coi đó như một trong những căn nguyên quan trọng khiến các hoạt động kinh tế - xã hội dần đi vào quỹ đạo “bình thường mới” và nhờ thế, nền kinh tế tiếp tục được phục hồi.
“Sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP”, Tổng cục Thống kê phân tích. Và nhận định này có mặt trong hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô vừa được công bố.
Kết thúc tháng 10/2021, tức là chỉ sau 20 ngày Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành, nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc. Và hiện giờ, xu hướng đó đang tiếp tục.
Rất nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô có thể được viện dẫn để khẳng định điều đó. Chẳng hạn, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất phục hồi, lưu thông hàng hóa thuận tiện thì dễ hiểu vì sao xuất nhập khẩu tăng trưởng rất tích cực. Tháng trước, Bộ Công thương đưa ra dự báo rằng, thương mại hàng hóa của Việt Nam sẽ đạt mức 600 tỷ USD trong năm nay. Nhưng đến cuối tháng 11/2021, ước tính, con số đã đạt trên 599,12 tỷ USD, tức là chỉ còn cách mốc 600 tỷ USD một bước chân rất ngắn.
Với tốc độ tăng trưởng tích cực này, nhiều khả năng, khi con số chính thức được Tổng cục Hải quan công bố, nền kinh tế có thể đạt mốc 600 tỷ USD ngay trong tháng 11, chứ không cần đợi kéo sang tháng 12.
Thêm nữa, đã 3 tháng liên tiếp, nền kinh tế đã ghi nhận thặng dư thương mại. Do đó, ước tính 11 tháng, cả nước xuất siêu 255 triệu USD. Con số là rất nhỏ so với mức xuất siêu 20,19 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái, song trong bối cảnh Covid-19, thặng dư thương mại là một tín hiệu tích cực. Kinh tế đang khó khăn, việc các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo sẽ hỗ trợ tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
Cũng nhờ sản xuất, xuất khẩu phục hồi, mà tình hình thành lập mới doanh nghiệp cũng tích cực. Theo số liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 11 tăng khá so với tháng trước cả về số doanh nghiệp (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 15,2% so với tháng trước.
“Kết quả này cho thấy sự phục hồi của hoạt động sản xuất - kinh doanh sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP”, Cục Đăng ký kinh doanh nhận định.
Bắt đầu giai đoạn phục hồi
Không chỉ là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, hay thành lập mới doanh nghiệp, nhiều chỉ số vĩ mô khác cũng cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế đang tiếp tục.
Chẳng hạn, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới và tăng thêm vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ. Sức mua của nền kinh tế cũng đang được cải thiện, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 tăng 6,2% so với tháng trước. Lạm phát cũng được kiểm soát, với chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 1,84%, thấp nhất trong vòng 5 năm qua…
Tuy nhiên, một cách khá rõ ràng, dù gam màu sáng đang dần tăng lên trong bức tranh kinh tế, nhưng khó khăn phía trước còn rất lớn. Bởi thực tế, mức tăng cao được ghi nhận chủ yếu là so với tháng trước, còn nếu so với cùng kỳ, tốc độ tăng còn rất thấp.
Dễ thấy nhất là sản xuất công nghiệp, tính chung 11 tháng, IIP chỉ tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Hay số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng mới đạt 105.600 doanh nghiệp, với hơn 1,454 triệu tỷ đồng và 784.200 lao động, giảm 15% về số doanh nghiệp, giảm 22,6% về vốn đăng ký và giảm 19,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 tháng cũng vẫn có tới hơn 52.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; gần 39.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4% và 14.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,7%. Như vậy, bình quân một tháng có gần 9.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong khi vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng, thì vốn giải ngân chỉ đạt 17,1 tỷ USD trong 11 tháng qua, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với 10 tháng năm 2021.
Covid-19 vẫn đang là nỗi ám ảnh lớn của nền kinh tế, trong bối cảnh chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2021. Điều đó cũng có nghĩa, chúng ta chỉ còn 1 tháng nữa để nỗ lực đạt kết quả cao nhất có thể trong năm 2021. Nếu kết quả tốt, đó sẽ nền tảng quan trọng để nền kinh tế bước vào năm 2022 với nhiều điều kiện thuận lợi hơn.
Chặng đường phục hồi kinh tế đang bắt đầu. Và có lẽ, trong lúc này, mọi hy vọng đang được đặt vào Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng.
Tháng 11/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 59,7 tỷ USD, tăng 8,5% so với tháng 10 và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hà Nguyễn (baodautu.vn)