Nhận xét trên được Bộ trưởng Gina Raimondo đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC hôm 1/11, sau những nỗ lực gần đây của Nhà Trắng nhằm tháo gỡ các nút thắt chuỗi cung ứng đang đè nặng lên kinh tế Mỹ và toàn cầu.
"Các chuỗi cung ứng có quy mô toàn cầu. Chúng rất phức tạp, do vậy, chúng tôi phải giải quyết vấn đề ở mọi khía cạnh. Tôi phải nói rằng chúng tôi đã thấy tình hình được cải thiện rõ rệt ở cảng", bà Raimondo cho biết, đồng thời nhấn mạnh hiệu quả thực thi sáng kiến hoạt động 24/7 tại hai cảng Los Angeles và Long Beach ở California mà chính quyền Tổng thống Joe Biden triển khai thời gian qua.
"Hiệu quả không đến sau một đêm, nhưng việc chuyển sang hoạt động 24/7 đã phát huy tác dụng. Một số cảng đang thu phí mỗi ... container không quá lâu nữa. Chúng tôi tập trung xử lý các container rỗng đang tồn đọng và không được tái sử dụng nhanh chóng", Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết.
Bộ trưởng Raimondo khẳng định, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang làm "mọi thứ trong khả năng" cùng với cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn này.
"Về cơ bản, khu vực tư nhân phải giải quyết vấn đề này và chúng tôi đang hợp tác với họ", Bộ trưởng Raimondo cho biết, đồng thời đánh giá: "Chúng tôi thấy tình hình đang có tiến triển".
Trước đó tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra cuối tuần qua, Tổng thống Biden đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khối này chung tay giải quyết các thách thức chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo thông cáo của Nhà Trắng về Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ, Liên minh châu Âu, và các nhà lãnh đạo từ 14 quốc gia khác đã nhất trí "tăng cường hợp tác quốc tế hơn nữa để khắc phục những gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai gần".
"Chuỗi cung ứng là vấn đề mà hầu hết các công dân không nghĩ đến, cho tới khi nó gặp vấn đề. Trong đại dịch, chúng ta thấy hàng hóa bị ứ đọng và lưu thông bị đình trệ, từ ô tô, đồ điện tử, đến các mặt hàng giày dép, đồ nội thất", ông Biden lưu ý.
Tổng thống Mỹ cho rằng: "Kết thúc đại dịch là chìa khóa để giải nút thắt (chuỗi cung ứng - BTV). Nhưng chúng ta cùng các đối tác ở khu vực tư nhân, phải hành động ngay để hạn chế tình trạng hàng hóa ứ đọng như hiện nay".
Các chuỗi cung ứng trên thế giới vẫn đang chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng cao trở lại, thiếu hụt lao động, và hoạt động sản xuất ở các nước bị đình trệ. Những yếu tố này cũng đã đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao và kéo theo lạm phát.
Lê Quân (baodautu.vn)